Giải pháp hữu hiệu để phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

Thời gian qua Chính phủ, các Bộ, Ngành và các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; từ hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm gắn với phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, vấn nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đang diễn ra rất phức tạp và có xu hướng gia tăng. Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả không những làm thất thu ngân sách, làm suy yếu nền kinh tế, nảy sinh tệ nạn tham nhũng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, rất khó chỉ ra nhóm hàng nào không bị làm giả, từ mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, điện tử, điện lạnh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc nuôi trồng thủy sản, các loại hàng sắt, tôn lợp, vật liệu xây dựng các loại, rượu bia, nước giải khát, đồ chơi…Để thực hiện tốt chống buôn lậu, hàng giả và gian lân thương mại, thì công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ là một trong những giải pháp trọng tâm. Trong thời gian qua công tác tuyền truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ của Chi cục QLTT Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả sau:
Một là, công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn pháp luật đã có được cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai các hoạt động “hậu kiểm” của các cơ quan có chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ. Hoạt động tuyên truyền, hướng dân pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ của cơ quan Chi cục QLTT là nòng cốt đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể xã hội và toàn dân trong công tác phòng chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh buôn bán hàng giả.
Hai là, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ dần dần đi vào nề nếp theo đúng kế hoạch, chương trình cụ thể với nhiều hình thức, biện pháp thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng được tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ và điều kiện của địa bàn thực hiện. Nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ đã được triển khai đồng bộ và mạnh mẽ trên nhiều địa bàn, người tiêu dùng và các cá nhân tổ chức sản xuất kinh doanh ngày càng có điều kiện tìm hiểu pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ nói riêng và pháp luật nhà nước nói chung.
Ba là, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ từng bước được xây dựng, củng cố (trong đó có Lực lượng QLTT) và đã thu hút được một lực lượng đông đảo báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tham gia….
Bốn là, các hình thức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng và thiết thực với người tiêu dùng và các cá nhân tổ chức sản xuất kinh doanh hơn như: Tuyên truyền miệng; biên soạn tài liệu phổ thông dưới dạng hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật; đưa pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ vào các chương trình tập huấn cho CBCC cấp cơ sở phường xã thị trấn, các Ban quản lý chợ…; tuyên truyền pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng câu lạc bộ pháp luật; đồng thời thường xuyên cập nhật bổ sung các nội dung về pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ vào tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn... đã và đang được triển khai mạnh mẽ.
Tuy nhiên công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở một số cơ quan, địa phương còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với nhu cầu; còn mang tính thời sự, nặng về phong trào; việc phổ biến, hướng dẫn hiện nay mới chỉ tập trung vào các luật và pháp lệnh, chưa thực sự chú trọng vào các văn bản hướng dẫn thi hành; các hình thức phổ biến, hướng dẫn pháp luật hiện đại chưa được sử dụng triệt để, đặc biệt là việc ứng dụng một cách có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động phổ biến, hướng dẫn pháp luật. Lực lượng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ, đặc biệt là ở cơ sở còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế và chưa đồng đều. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn do những hạn chế của hệ thống pháp luật như: Các văn bản pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ còn thiếu cụ thể, rõ ràng; còn có sự trùng lặp, chồng chéo thậm chí mâu thuẫn nhau; nhiều văn bản thiếu tính khả thi; tính ổn định của hệ thống pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ chưa cao. Mặt khác, tình trạng văn bản của nhà nước cấp trên đã ban hành nhưng vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp dưới vẫn còn, làm cho pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ không đi ngay vào cuộc sống. Tình trạng Luật, Pháp lệnh phải chờ Thông tư là một thực tế làm cho pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ chậm đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật chậm trễ, khó triển khai chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng, kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu…
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ và các giải pháp khác thì các cơ quan liên quan trong đó có lực lượng QLTT cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật kinh doanh thương mại nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, cũng như người tiêu dùng sử dụng hàng hóa, sản phẩm theo tiêu chí “người tiêu dùng thông thái” góp phân đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ, ngoài việc thực hiện các biện pháp đổi mới nội dung, hình thức về tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn pháp luật; củng cố, tăng cường đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, kiện toàn các tổ công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về kinh doanh trương mại dịch vụ, chúng ta cần phải quan tâm đến một số vấn đề sau:
1. Về nội dung hướng dẫn, truyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ.
Thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cần tập trung vào: Luật Thương mại, Luật Ngoại thương; Luật Đầu tư; Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý thị trường vật tư nông nghiệp; các Công điện của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật; phổ biến các văn bản chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương, UBND tỉnh về triển khai công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới….
Tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tích cực hưởng ứng tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Tuyên truyền đưa tin kịp thời về việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, các mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội như: vũ khí, vật liệu nổ, ma túy, pháo nổ, tài liệu phản động; các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn, rượu bia, thuốc lá, bánh kẹo, vật tư nông nghiệp, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; các hành vi gian lận thương mại khác tác động xấu đến tình hình kinh tế, xã hội, an ninh trật tự và sức khỏe người dân….
Tập trung thông tin, tuyên truyền về việc vận động ký cam kết và các hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; các hoạt động xử lý, tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng; tuyên truyền về kết quả công tác phòng, chống buôn lậu của các cơ quan chức năng; các vụ việc kiểm tra, xử lý điển hình để định hướng dư luận tích cực về công tác này và tăng tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm;
Tuyên truyền, phổ biến gương người tốt, việc tốt; lên án các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả để nhân dân nhận thức rõ những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả đối với kinh tế, an ninh trật tự xã hội và sức khỏe của người dân.
2. Cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của người tiêu dùng và các cá nhân tổ chức sản xuất kinh doanh đối với pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ.
Để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ cần có sự tìm hiểu về thái độ của người tiêu dùng và các tổ chức sản xuất kinh doanh đối với pháp luật, họ hiểu pháp luật như thế nào? Pháp luật có vai trò gì trong cuộc sống của họ?... Có thể nói, phần lớn người tiêu dùng và các tổ chức sản xuất kinh doanh thường cho rằng “pháp luật” là những mệnh lệnh mà người ta cần phải tuân thủ, là hình phạt, là trừng trị… người khác thì cho rằng, pháp luật chỉ là để giải quyết các tranh chấp. Người tiêu dùng và các tổ chức sản xuất kinh doanh thường chỉ quan tâm tới pháp luật khi bản thân họ phải rơi vào tình thế sự việc miễn cưỡng, lợi ích bị xâm hại… dính líu tới pháp luật (kiện cáo, tranh chấp, bị phạt, bị cưỡng chế…). Bởi vậy, khi tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật cần giải thích, phân tích cho người tiêu dùng và các tổ chức sản xuất kinh doanh hiểu được rằng pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ không chỉ bao gồm các quy định cưỡng chế, thực thi pháp luật, biện pháp giải quyết tranh chấp. Pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ còn bao gồm các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các tổ chức sản xuất kinh doanh chân chính, khuyến khích sự giao dịch lành mạnh giữa các thành viên trong lĩnh vực này vì sự phát triển và bảo đảm trật tự ổn định. Pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ là một môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân giao dịch với nhau trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh buôn bán, đảm bảo cho các thành viên trong lĩnh vực này phụ thuộc và gắn bó với nhau một cách hợp lý, hợp pháp. Pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ là một môi trường pháp lý phát huy sự sáng tạo và bản lĩnh làm giàu chính đáng của các nhà doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của cá nhân làm giàu cho mình và cho đất nước.
3. Các hình thức tuyên truyền:
Các hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã: dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, của tỉnh và chính quyền địa phương; xây dựng các phóng sự, các bài viết, tiểu phẩm về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với hình thức đa dạng, nội dung thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương;
Việc tuyên truyền trên hệ thống thông tin trực quan cũng phải được thực hiện tích cực: Thông tin trên các trạm tin, bảng tin, cụm pano cổ động của địa phương; các băng - rôn treo trên các tuyến đường, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân, các Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị...; các tài liệu tuyên truyền về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải được tăng cường đặt tại các tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn, điểm bưu điện - văn hóa xã; tổ chức các hoạt động tuyên truyền lưu động ở cơ sở; thông tin, tuyên truyền, vận động thông qua hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn phải được truyền thông thông qua các hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hóa, xã hội của địa phương. Thực hiện có hiệu quả các hình thức phổ biến, hướng dẫn pháp luật truyền thống, cần quan tâm khai thác có hiệu quả các văn bản pháp luật cập nhật, lưu trữ trên mạng tin học diện rộng của Chính phủ, mạng Internet. Xây dựng và đưa vào sử dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử; tiếp tục củng cố và phát triển các hệ thống thông tin pháp luật phù hợp tại các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Nâng cao khả năng hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức làm công tác thông tin pháp luật tạo thành mạng lưới thông tin pháp luật thống nhất từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn thực hiện việc tổ chức, quản lý và cung cấp thông tin pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ. Hình thành các bộ phận đầu mối ở cơ quan chức năng làm nhiệm vụ cung cấp thông tin pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và các tổ chức cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh…
4. Kết hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ.
Trong các hoạt động, các cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là các cán bộ, công chức thực thi công vụ là người tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật, đồng thời thông qua thực thi công vụ kết hợp phổ biến, hướng dẫn pháp luật nhằm giúp cho các đối tượng được áp dụng pháp luật hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của các quy định pháp luật được áp dụng hoặc các quy định có liên quan, hiểu và ý thức được về quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình, từ đó tự nguyện chấp hành nghiêm túc các quyết định áp dụng pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ nói riêng và chấp hành pháp luật nói chung, hình thành niềm tin pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ.
5. Tăng cường hơn nữa quyền của người tiêu dùng và các tổ chức sản xuất kinh doanh trong việc lấy ý kiến tham gia vào xây dựng pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ.
Việc tham gia đóng góp ý kiến của người tiêu dùng và các tổ chức sản xuất kinh doanh vào pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ có tác dụng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất lớn và có hiệu quả. Thông qua lấy ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật về kinh doanh thương mại dịch vụ có tác dụng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bồi dưỡng tình cảm, ý thức về trách nhiệm pháp lý và khả năng tiến hành các hành vi pháp lý đúng đắn, chính xác. Đồng thời qua hoạt động này, sẽ giúp cho người tiêu dùng và các tổ chức sản xuất kinh doanh nâng cao ý thức pháp luật. Như vậy, mọi người sẽ hiểu được về giá trị xã hội và pháp luật. Có thể nói, thái độ chấp hành hay không chấp hành của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh đối với pháp luật là kết quả của sự am hiểu pháp luật. Mặt khác cũng thấy rằng các tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ một cách tự giác, nghiêm chỉnh một khi họ có thái độ đúng đắn đối với pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ.
6. Huy động sự vào cuộc của các Trung tân tư vấn pháp luật, Trợ giúp pháp lý, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân ….đối với công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ.
Tuyên truyền phổ biến hướng dẫn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật có mối quan hệ mật thiết trong việc xây dựng ý thức pháp luật, tăng cường sự hiểu biết pháp luật, khuyến khích thói quen ứng xử bằng pháp luật của người tiêu dùng và các tổ chức sản xuất kinh doanh, nhằm chống hàng giả, gian lận thương mại. Để nâng cao hiệu quả, phát huy thế mạnh của hình thức trên, khi tiến hành trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật phải gắn với thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật; đồng thời đưa vào Quy chế hoạt động của các Trung tâm tư vấn, Trợ giúp pháp lý, HLH Phụ nữ, Hội Nông dân....nhiệm vụ tuyên truyền hướng dẫn pháp luật nói chung và pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ nói riêng, hình thành trách nhiệm tự giác thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thành viên thuộc tổ chức mình và cho các đối tượng, cho khách hàng khi trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật về lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả và mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động để đảm bảo mọi người đều có khả năng được hưởng dịch vụ này nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ khi cần thiết, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, tự điều chỉnh hành vi xử sự phù hợp với quy định của pháp luật, tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Có thể khẳng định rằng nếu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật kinh doanh thương mại dịch vụ thì sẽ góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; thúc đẩy phát triển kinh tế.