Chức năng nhiệm vụ

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CHI CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh

(Theo Quyết định số 44/QĐ-SCT ngày 04/4/2025 của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh)

Điều 1. Vị trí, chức năng 

Chi cục Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là Chi cục) là tổ chức hành  chính trực thuộc Sở Công Thương, có chức năng giúp Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống,  xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả,  hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực  phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành  vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. 

Chi cục chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp và toàn diện của Sở Công Thương;  đồng thời chịu sự chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các  cơ quan quản lý chuyên ngành trực thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan khác  có thẩm quyền theo quy định pháp luật. 

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn 

1. Tham mưu cho cấp có thẩm quyền về công tác quản lý thị trường 

a) Giúp Giám đốc Sở Công Thương xây dựng và trình Ủy ban nhân dân  tỉnh kế hoạch, biện pháp về tổ chức thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hóa theo  quy định của pháp luật; các chủ trương, biện pháp, dự án cần thiết để thực hiện  pháp luật, chính sách, chế độ về quản lý thị trường; 

b) Kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành  các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý thị trường; 

c) Xây dựng trình Giám đốc Sở ban hành kế hoạch hàng năm về kiểm tra  định kỳ, kiểm tra chuyên đề trên địa bàn tỉnh theo quy định; 

d) Giúp Giám đốc Sở Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc  thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề  án về công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh; 

đ) Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi  phạm pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;

e) Theo dõi, tổng hợp, dự báo diễn biến tình hình thị trường, đối tượng, quy  luật, phương thức, thủ đoạn của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật  về sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại và các lĩnh vực khác được  pháp luật quy định; đề xuất các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống các hành  vi vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền 

a) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh  trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường; kiểm tra cơ sở sản  xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương  và các lĩnh vực khác được pháp luật quy định; xử lý theo thẩm quyền các hành vi  vi phạm pháp luật; 

b) Triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch kiểm tra chuyên  đề theo quy định; 

c) Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác  phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh  doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường và các lĩnh vực khác được  pháp luật quy định; 

d) Thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, tang vật,  phương tiện có dấu hiệu vi phạm, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là  hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức,  cá nhân; 

đ) Tiếp nhận, xử lý các vụ việc thuộc thẩm quyền do Đội Quản lý thị trường  chuyển giao; trình Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử  lý các vụ việc vượt thẩm quyền. 

3. Hướng dẫn, thực hiện và tuyên truyền pháp luật liên quan đến hoạt động  của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn. 

4. Quản lý tổ chức và xây dựng lực lượng Quản lý thị trường. 

a) Xây dựng kế hoạch và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về tổ chức,  biên chế, trang thiết bị, phương tiện và điều kiện làm việc của lực lượng Quản lý  thị trường; 

b) Xây dựng và trình Giám đốc Sở Công Thương ban hành quy định chức  năng, nhiệm vụ của các Phòng và các Đội Quản lý thị trường trực thuộc;

c) Quản lý công chức, người lao động; Thực hiện chế độ, chính sách đối  với công chức và người lao động (nếu có) theo quy định của pháp luật và phân  cấp quản lý; 

d) Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng  chuyên môn nghiệp vụ cho công chức thuộc Chi cục; 

đ) Tổ chức thực hiện các quy định về công tác tổ chức cán bộ, chế độ trang  phục, số hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, biển hiệu, ấn chỉ và Thẻ kiểm tra thị  trường; 

e) Kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát  và xử lý vi phạm hành chính của các Đội Quản lý thị trường trực thuộc; kiểm tra  nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của công chức, các đơn  vị trực thuộc Chi cục; 

g) Thực hiện cải cách hành chính trong hoạt động công vụ theo chương trình,  kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh; 

h) Phối với hợp với Văn phòng Sở Công Thương xây dựng, quản lý và khai  thác hệ thống cơ sở dữ liệu về kết quả kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành  chính và cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động của lực lượng quản lý thị trường;  đội ngũ công chức; trang thiết bị, phương tiện và điều kiện làm việc. 

5. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật  về khiếu nại, tố cáo; thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

6. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định và yêu cầu của cơ  quan quản lý nhà nước cấp trên có thẩm quyền. 

7. Quản lý tài chính, tài sản, nguồn kinh phí được bổ sung từ xử lý vi phạm  hành chính trong lĩnh vực chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Quản  lý phương tiện làm việc, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được giao; quản lý, sử dụng  con dấu và lưu trữ hồ sơ vụ việc kiểm tra xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. 

8. Tổ chức triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương  pháp quản lý hiện đại trong tổ chức và hoạt động của Chi cục. 

9. Tham gia các Ban Chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành, đoàn kiểm tra  liên ngành do địa phương hoặc cấp có thẩm quyền thành lập. 

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục  trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công Thương và Giám đốc Sở Công Thương giao./.