I. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TỈNH HÀ TĨNH
64 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Quản lý thị trường Hà Tĩnh từng bước trưởng thành và ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, khẳng định được vai trò, vị trí là lực lượng chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác. Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh nhà và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN, có ý nghĩa quan trọng đối với từng giai đoạn phát triển của tỉnh nhà và của đất nước.
1. Giai đoạn 1957 - 1975
Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược (1954), Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng và bước vào thời kỳ khôi phục, phát triển kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn: Lực lượng sản xuất nhỏ bé và trình độ kỹ thuật lạc hậu, phần lớn xí nghiệp, nhà máy ngừng hoạt động, hàng hóa khan hiếm… Lợi dụng những khó khăn về sản xuất, những kẻ hỡ trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nhất là một số sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, một số phần tử xấu trong xã hội nhân cơ hội này kích động chính trị, gây rối thị trường thông qua các hành vi đầu cơ, tích trữ hàng hóa tạo sự khan hiếm để trục lợi, gây khó khăn cho nền kinh tế quốc dân và làm thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trước tình hình đó, ngày 19/4/1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc luật số 001-SL và Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 163-TTg về việc cấm chỉ hành động đầu cơ về kinh tế. Đến ngày 03/7/1957 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 290-TTg thành lập Ban Quản lý thị trường Trung ương, là tiền thân của hệ thống tổ chức lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) ngày nay. Từ năm 1957 đến nay lực lượng QLTT trong cả nước nói chung và lực lượng QLTT Hà Tĩnh nói riêng đã nhiều lần thay đổi phiên hiệu và cơ quan quản lý nhưng vẫn tồn tại với tư cách là một tổ chức chuyên ngành và từng bước trưởng thành về mọi mặt.
Từ 1957-1958 thực hiện Nghị định 290-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban QLTT TW và Ban QLTT ở các tỉnh, thành phố và khu tự trị được thành lập. Ở Trung ương thành phần Ban QLTT gồm có đồng chí Bùi Công Trừng chủ nhiệm Văn phòng Tài chính - Thương nghiệp phủ Thủ tướng làm Trưởng ban, đồng chí Đỗ Mười thứ trưởng Bộ Thương nghiệp làm Phó Trưởng Ban và một số thành viên thuộc các ngành chức năng có liên quan. Nhiệm vụ của Ban QLTT TW giúp chính phủ nghiên cứu chủ trương, chính sách quản lý thị trường, chống đầu cơ, tích trữ và chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách về thương mại trong phạm vi toàn quốc.
Ở tỉnh ta, thành phần của Ban QLTT thời kỳ này gồm có các đồng chí Phan Tu - Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Đinh Xuân Nghiêm - Quyền Trưởng ty Công Thương làm Phó Trưởng Ban thường trực; các đồng chí Trưởng ty Công an, Tài chính, Văn hóa thông tin, Chi sở Thuế vụ, Trưởng Ban Quản lý HTX mua bán của tỉnh làm ban viên. Ban QLTT tỉnh có nhiệm vụ giúp Ủy ban hành chính tỉnh chỉ đạo công tác Quản lý thị trường trong địa phương theo chủ trương, chính sách của Chính phủ.
Năm 1959-1961 thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải tạo XHCN đối với các thành phần Công Thương Nghiệp tư bản tư nhân, đây là một chủ trương lớn và hết sức quan trọng, cấp thiết. Ban QLTT tỉnh phải đảm nhiệm thêm nhiệm vụ cải tạo Công Thương Nghiệp tư bản tư nhân, nên Tỉnh ủy đã phân công đồng chí Phan Tu ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch ủy ban hành chính tỉnh trực tiếp chỉ đạo thực hiện cải tạo Công Thương nghiệp trên địa bàn. Khi đó Ban QLTT tỉnh ta được đổi tên là Ban Cải tạo và QLTT tỉnh. Ở Văn phòng ty Thương Nghiệp thành lập Phòng Cải tạo và QLTT do đồng chí Lê Doãn Chu làm trưởng Phòng, lúc này lực lượng trực tiếp làm công tác cải tạo Công Thương nghiệp chưa có chuyên trách. Do vậy Ủy ban hành chính tỉnh đã điều động 30 đồng chí Bí thư, Chủ tịch có năng lực ở các xã giao cho ty Thương Nghiệp trực tiếp quản lý và điều hành theo sự chỉ đạo của Ban Cải tạo và QLTT. Đến năm 1960 công tác cải tạo Công Thương Nghiệp tư bản tư nhân cơ bản hoàn thành, đồng chí Phan Tu được điều động công tác ở Trung ương; đồng chí Nguyễn Hồng Lam - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban vận động HTX mua bán của tỉnh được bổ nhiệm làm Trưởng ty Thương Nghiệp.
Thời kỳ 1962-1975 các đồng chí Trần Đình Toàn, Thiều Y, Phan Báu lần lượt là Trưởng ty Thương Nghiệp Hà Tĩnh, đảm đương chức vụ Phó Trưởng ban Cải tạo và QLTT của tỉnh.
Đối với phòng Cải tạo và QLTT: Năm 1967 đồng chí Mai Quang Lương làm Trưởng phòng thay đồng chí Lê Doãn Chu đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Đến năm 1975 đồng chí Lê Doãn Chu trở lại làm Trưởng phòng QLTT và giá cả thay đồng chí Mai Quang Lương đi nhận công tác khác.
Nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng nhất của Ban QLTT trong thời kỳ này là công tác cải tạo hàng vạn hộ Công Thương Nghiệp tư nhân theo nhiều hình thức và biện pháp như công ty hợp doanh, sắp xếp và sử dụng tiểu thương làm nhiệm vụ Đại lý bản lẻ và ủy thác thu mua cho mậu dịch quốc doanh, chuyển một bộ phận khá lớn tư thương sang sản xuất, chế biến dịch vụ, đồng thời tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, kinh doanh trái phép, quản lý giá cả và tạo điều kiện tập trung nguồn hàng vào trong Nhà nước.
2. Giai đoạn 1976-1990
Sau chiến thắng 30/4/1975, đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Miền Nam thực hiện nhiệm vụ cải tạo các thành phần kinh tế Công Thương nghiệp tư bản, tư nhân; Miền Bắc xây dựng hệ thống xã hội chủ nghĩa; việc giao lưu, liên kết kinh tế diễn ra rất sôi động giữa hai miền bắc nam. Nhiệm vụ công tác quản lý thị trường lúc này là khẩn trương khắc phục buông lỏng quản lý đối với thị trường tự do, quản lý vật tư hàng hóa; thiết lập trật tự thị trường xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống các hoạt động đầu cơ, buôn lậu, hàng giả, ăn cắp vật tư hàng hóa của nhà nước và các hành vi kinh doanh trái phép khác.
Tháng 3 năm 1976 thực hiện chủ trương hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, theo đó Ban Chỉ đạo QLTT tỉnh cũng được thành lập; đồng chí Nguyễn Trọng Thể - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, đồng chí Nguyễn Sảng - Trưởng ty Thương Nghiệp làm Phó Trưởng ban Thường Trực và các thành viên thuộc các ngành Thuế vụ, Kiểm Lâm, Văn hóa thông tin làm ban viên…
Ngày 16/7/1982 Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Ban hành Quyết định số 190-CT về việc thành lập Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Nội thương và các ủy viên bao gồm các bộ, ngành chức năng, giúp việc cho Ban chỉ đạo là Vụ quản lý và cải tạo thương nghiệp - Bộ Nội thương. Ban Chỉ đạo QLTT tỉnh Nghệ Tĩnh cũng được thành lập lại; đồng chí Trần Quốc Thại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Quốc Lựu - Giám đốc Sở Thương Nghiệp làm Phó Trưởng ban, đồng chí Võ Viết Tầng - Phó Giám đốc sở Thương Nghiệp trực Ban Chỉ đạo và một số thành viên của các ngành liên quan.
Ngày 23/11/1982 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 188-HĐBT về tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và quản lý thị trường. Đến ngày 02/10/1985 Hội đồng bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 249-HĐBT sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 188-HĐBT ngày 23/11/1982, theo đó đã chỉ đạo thành lập Đội QLTT trực thuộc Ban chỉ đạo quản lý thị trường cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và cấp quận, huyện, thị xã. Bộ Nội thương ban hành Thông tư số 24-NT hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 249-HĐBT, xác định Đội QLTT là lực lượng chuyên trách do Ban chỉ đạo QLTT tỉnh và quận, huyện tổ chức quản lý.
Thực hiện Nghị quyết số 188-HĐBT, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đã ra Quyết định thành lập Đội QLTT trực thuộc Ban chỉ đạo QLTT tỉnh. Nhiệm vụ chủ yếu của Đội QLTT là chống buôn lậu và kinh doanh trái phép. Đội được phân thành 03 tổ: Tổ 1 phụ trách địa bàn Thành phố Vinh và các huyện lân cận; Tổ 2 phụ trách công tác kiểm tra, kiểm soát tuyến đường 1A, trụ sở đóng tại huyện Quỳnh Lưu; Tổ 3 phụ trách công tác kiểm tra, kiểm soát tuyến đường 1A, trụ sở đóng tại huyện Kỳ Anh. Ngoài ra, 27 huyện, thị xã đều thành lập các Đội QLTT chuyên trách trực thuộc UBND huyện, thị xã; biên chế mỗi Đội từ 05-07 người.
3. Giai đoạn 1991-1994
Sau khi tái lập tỉnh Hà Tĩnh (tách ra từ Nghệ Tĩnh), ngày 25/11/1991 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 368/QĐ-UB thành lập Ban chỉ đạo QLTT tỉnh do đồng chí Nguyễn Quốc Lựu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Võ Viết Tầng - Giám đốc sở Thương mại Du lịch làm Phó Trưởng ban thường trực.
Cuối năm 1991 thực hiện Nghị định 398-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng về tổ chức và hoạt động của QLTT, ngày 01/01/1992 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 587 QĐ/UB về việc thành lập Đội QLTT tỉnh. Định biên của Đội QLTT tỉnh là 40 người, trên cơ sở tuyển chọn những cán bộ QLTT ở các đội của huyện, thị xã và ở Nghệ Tĩnh chuyển về, đội do đồng chí Đậu Duy Hồng - nguyên là Trưởng phòng Hành chính của Sở Thương mại - Du lịch làm Đội trưởng. Đội QLTT được tổ chức thành 06 tổ công tác hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng đội QLTT huyện Hương Khê do đặc thù địa bàn miền núi, UBND tỉnh cho duy trì hoạt động và chịu sự quản lý của UBND huyện Hương Khê.
Đến cuối năm 1993, đầu năm 1994 đồng chí Nguyễn Quốc Lựu nghỉ hưu, đồng chí Nguyễn Văn Mạo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban QLTT, năm 1995 đến năm 2000 đồng chí Nguyễn Khắc Táo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách ngành.
Ngày 25/4/1994 Chính phủ ban hành Nghị định số 35/CP về tổ chức lại công tác QLTT, chuyển chức năng chỉ đạo của Ban chỉ đạo QLTT TW về Bộ Thương mại; đến ngày 23/01/1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 10/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của lực lượng QLTT. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 16/6/1995 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 793/QĐ-UB thành lập Chi cục QLTT trực thuộc Sở Thương mại - Du lịch Hà Tĩnh.
Như vậy kể từ khi mới được hình thành, lực lượng QLTT đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều lần thay đổi về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ qua từng giai đoạn phát triển chung của đất nước cũng như của tỉnh. Nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng lực lượng QLTT có vai trò hết sức quan trọng cùng với sự phát triển của đất nước, góp phần ổn định, thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động thương mại trên thị trường.
II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHI CỤC QLTT HÀ TĨNH
Thực hiện Nghị định số 35/CP ngày 25/4/1994 của Chính phủ về tổ chức lại công tác QLTT, chống buôn lậu, chuyển chức năng chỉ đạo của Ban chỉ đạo QLTT TW về Bộ Thương mại.
Ngày 23/01/1995 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 10/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của lực lượng QLTT. Ở Trung ương thành lập Cục QLTT trực thuộc Bộ Thương mại. Ở các tỉnh, thành phố thành lập Chi cục QLTT trực thuộc Sở Thương mại - Du lịch.
Ngày 16/6/1995 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 793/QĐ-UB thành lập Chi cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh. Định biên của Chi cục khi thành lập là 54 người do đồng chí Nguyễn Huy Lâm - Phó Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch làm Chi cục trưởng, đồng chí Đậu Duy Hồng làm Phó Chi cục trưởng. Chi cục gồm 02 phòng chuyên môn (Phòng Tổ chức - Hành chính và Phòng Nghiệp vụ - Thanh tra - Tổng hợp) và 03 Đội QLTT phụ trách các địa bàn:
Đội QLTT số 1 phụ trách vùng Nam Hà Tĩnh gồm: huyện Thạch Hà, Thị xã Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh.
Đội QLTT số 2 phụ trách vùng Bắc Hà Tĩnh gồm: huyện Can Lộc, huyện Nghi Xuân, Thị xã Hồng Lĩnh, huyện Đức Thọ và huyện Hương Sơn.
Đội QLTT số 3 phụ trách địa bàn huyện Hương Khê.
Thời kỳ này hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tương đối phức tạp, nhất là tuyến biển và tuyến đường quốc lộ 8A.
Tuyến biển: Các đối tượng buôn lậu dùng tàu VS có trọng tải 200-300 tấn vận chuyển gỗ sang Trung Quốc bán và vận chuyển hàng lậu vào địa bàn tỉnh ta để tiêu thụ, hàng lậu được vận chuyển về chủ yếu qua các cửa lạch như: Cửa Sót, cửa Nhượng, cửa khẩu (Kỳ Anh). Hàng hóa chủ yếu là gạch men Trung Quốc, kính xây dựng, quạt điện, đồ sứ, bánh kẹo, phụ tùng ô tô qua sử dụng ...
Tuyến đường 8A: Hàng lậu chủ yếu là hàng do Thái Lan sản xuất như: Quạt điện, tủ lạnh, tivi, bánh kẹo, nước giải khát... hàng lậu được tập kết chủ yếu do lực lượng cửu vạn xuyên khe, cắt rừng qua biên giới, gùi, mang vác và được một số chủ đầu nậu thu gom sau đó phân tán đi tiêu thụ ở các địa phương khác.
Với tình hình phức tạp như vậy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh giao trách nhiệm cho các ngành chức năng như: Hải quan, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an, QLTT… và chính quyền huyện Hương Sơn phải thường xuyên phối hợp và thực hiện công tác chống buôn lậu có hiệu quả, các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng lậu và tiếp tay cho buôn lậu đều phải được xử lý nghiêm, đúng pháp luật. Sau thời gian triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu của lực lượng QLTT và các lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an nhiều vụ vi phạm đã được xử lý nghiêm minh, đã giải tán số đông cửu vạn tại khu vực Cửa khẩu Cầu Treo. Do vậy tình hình ở khu vực cửa khẩu Cầu Treo và tuyến đường 8A đã trở lại bình thường.
Tháng 6/1996 đồng chí Nguyễn Huy Lâm được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch; đồng chí Võ Viết Tầng được phân công phụ trách Chi cục QLTT và đến cuối năm 1997 đồng chí Võ Viết Tầng nghỉ hưu theo chế độ.Đầu năm 1998 UBND tỉnh ra Quyết định bổ nhiệm đồng chí Đậu Duy Hồng giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục QLTT; Sở Thương mại - Du lịch ra Quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Đình Lộc giữ chức vụ Phó Chi cục trưởng.
Đến năm 2001, lực lượng QLTT được Chính phủ giao thêm chức năng thanh tra chuyên ngành theo Luật Thương mại, ngoài ra Chi cục QLTT còn được giao nhiệm vụ là bộ phận thường trực giúp Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại theo Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 27/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 127).
Cuối năm 2002 đồng chí Đậu Duy Hồng nghỉ hưu, Sở Thương mại - Du lịch ra Quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Đình Lộc giữ chức vụ Quyền Chi cục trưởng và đồng chí Trần Văn Minh giữ chức vụ Phó Chi cục trưởng. Đến năm 2003 UBND tỉnh ra Quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Đình Lộc giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục QLTT.
Cuối tháng 12/2004 chấp hành Quyết định điều động của UBND tỉnh và Sở Thương mại - Du lịch, đồng chí Nguyễn Đình Lộc và đồng chí Trần Văn Minh chuyển lên công tác tại Sở Thương mại - Du lịch; đồng thời UBND tỉnh ra quyết định điều động đồng chí Kiều Minh Quý phó Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục QLTT, Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch ra Quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Cự Dũng - Phó Trưởng phòng TCHC giữ chức vụ Phó Chi cục trưởng. Đến năm 2005 Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch ra Quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Xuân Hường - Trưởng Phòng QLTM giữ chức vụ Phó Chi cục trưởng.
Do yêu cầu nhiệm vụ, cuối tháng 6 năm 2006 đồng chí Kiều Minh Quý được điều lên nhận nhiệm vụ tại Sở Thương mại - Du lịch. Từ tháng 7/2006 đến tháng 8/2008 đồng chí Nguyễn Cự Dũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Quyền Chi cục trưởng, Chi cục trưởng; từ tháng 9/2008 đến nay đồng chí Nguyễn Cự Dũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc sở Công Thương - Chi cục trưởng Chi cục QLTT.
Năm 2007 Sở Thương mại - Du lịch điều động đồng chí Trần Văn Minh trở lại giữ chức vụ Phó Chi cục trưởng và bổ nhiệm đồng chí Trần Hữu Hạnh - Đội trưởng Đội QLTT giữ chức vụ Phó Chi cục trưởng. Đến năm 2011 nhằm tăng cường công tác chỉ đạo và quản lý, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã ra quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thừa Đoàn - Chánh Văn phòng giữ chức vụ Phó Chi cục trưởng và đến năm 2012 đồng chí Nguyễn Xuân Hường - Phó Chi cục trưởng nghỉ hưu theo chế độ.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cũng như để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, đảm bảo công tác quản lý được chặt chẽ và toàn diện hơn trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2015 UBND tỉnh đã quyết định thành lập thêm 04 Đội QLTT và 01 phòng chuyên môn để từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả công tác Quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
Ngày 01/10/2002, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 2078/QĐ-UB thành lập Đội QLTT số 4 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh, trụ sở của đội đóng tại địa bàn huyện Kỳ Anh, thực hiện công tác QLTT trên địa bàn huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên; đồng thời bổ sung nhiệm vụ cho Đội QLTT số 3 phụ trách thêm địa bàn huyện Vũ Quang.
Ngày 06/4/2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 931/QĐ-UB thành lập Đội QLTT số 5 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh, trụ sở của đội đóng tại địa bàn huyện Hương Sơn, thực hiện công tác QLTT trên địa bàn huyện Hương Sơn và Đức Thọ.
Ngày 19/12/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 3665/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Chi cục QLTT Hà Tĩnh.
Ngày 05/7/2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1920/QĐ-UB thành lập Đội QLTT số 6 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh, trụ sở của đội đóng tại địa bàn huyện Thạch Hà, thực hiện công tác QLTT trên địa bàn huyện Thạch Hà và Can Lộc.
Ngày 13/02/2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 371/QĐ-UBND về việc điều chỉnh tên phòng chuyên môn thuộc Chi cục QLTT; theo đó đã điều chỉnh tên “Phòng Nghiệp vụ - Thanh tra - Tổng hợp” thành “Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp”.
Ngày 10/02/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 611/QĐ-UBND về việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức Chi cục QLTT Hà Tĩnh, theo đó thành lập thêm 01 phòng chuyên môn: Phòng Pháp chế và Kiểm tra; để thực hiện công tác Pháp chế và Thanh tra chuyên ngành Công Thương.
Ngày 09/9/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 3506/QĐ-UBND về việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức Chi cục QLTT Hà Tĩnh, theo đó thành lập thêm 01 Đội QLTT: Đội QLTT số 7; trụ sở của đội đóng tại địa bàn Thị xã Kỳ Anh, thực hiện công tác QLTT trên địa bàn Thị xã Kỳ Anh.
Ngày 11/10/2018 Bộ Công Thương ban hành quyết định số 3674/QĐ-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh. Từ đây lực lượng QLTT Hà Tĩnh bước sang trang sử mới. Chi cục QLTT được nâng cấp thành Cục QLTT trực thuộc Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương. Cơ cấu tổ chức, bộ máy được kiện toàn với 01 Cục trưởng, 03 Phó Cục trưởng, 03 phòng chuyên môn (Tổ chức - Hành chính, Nghiệp vụ - Tổng hợp, Thanh tra - Pháp chế) và 06 Đội QLTT (05 Đội địa bàn và 01 Đội cơ động chống buôn lậu trên địa bàn toàn tỉnh).
Đảng bộ Cục là một Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh với BCH gồm 07 đồng chí và 04 Chi bộ trực thuộc (Chi bộ Văn phòng, Chi bộ 1, Chi bộ 2, Chi bộ 3).
Tổ chức đoàn thể gồm: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Cựu Chiến Binh, Ban nữ công.
Với sự quan tâm của Tổng Cục QLTT - Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong những năm qua lực lượng QLTT Hà Tĩnh đã có những bước phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được chú trọng, từng bước xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, tổ chức chặt chẽ. Đến nay toàn Cục có 60 cán bộ, công chức với 09 thạc sỹ, 46 cử nhân đại học, 5 cao đẳng và trung cấp; 01 cử nhân chính trị, 08 cao cấp lý luận chính trị, 06 Kiểm soát viên chính thị trường. Cục thường xuyên phổ biến, quán triệt đến toàn thể CBCC các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của ngành, của cơ quan; hằng năm luôn tổ chức tập huấn và thi sát hạch nghiệp vụ QLTT; cử cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo dài hạn, ngắn hạn về nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính. Qua đó đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường trên địa bàn. Cán bộ, công chức Cục QLTT ngày càng tinh thông về nghiệp vụ, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ ngày càng được tăng cường và đảm bảo.
Trong những năm gần đây, được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương; cùng với sự nổ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, kinh tế xã hội tỉnh nhà có sự bứt phá mạnh mẽ, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng; nhiều dự án lớn đang được triển khai trên địa bàn như: Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan); Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Trung tâm Điện lực Vũng Áng; công trình thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang. Số lượng, quy mô doanh nghiệp, hộ kinh doanh không ngừng tăng lên với gần 10.000 doanh nghiệp, trên 60.000 hộ kinh doanh cá thể tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phục vụ tiêu dùng cho gần 1,4 triệu dân và trên 10.000 chuyên gia, người lao động đến từ trong và ngoài nước đang làm việc tại các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Những điều kiện trên là động lực để kinh tế Hà Tĩnh tiếp tục phát triển năng động, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, nhưng cũng đặt ra cho công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác quản lý thị trường nói riêng không ít khó khăn thách thức; các hoạt động kinh doanh trái phép, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm ATTP... diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng vi phạm ngày càng manh động…, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý thị trường trên địa bàn.
Đứng trước tình hình đó, lực lượng QLTT Hà Tĩnh đã chủ động sáng tạo đổi mới công tác quản lý điều hành, bám sát chỉ đạo của cấp trên, đẩy mạnh hoạt động truyên truyền, phổ biến và hướng dẫn những quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được chú trọng thực hiện, luôn đa dạng hóa về hình thức, phong phú hóa về chuyên đề, sâu sắc về nội dung tuyên truyền, đảm bảo thông tin đến tận các tổ chức cá nhân, tham gia sản xuất kinh doanh. Đã phát gần 100.000 tờ rơi; ký cam kết trên 50.000 lượt hộ kinh danh; tổ chức hàng trăm cuộc tọa đàm, đối thoại; thông báo số điện thoại đường dây nóng, tuyên truyền chạy chữ trên chương trình thời sự; thường xuyên đưa các hoạt động của đơn vị, các vụ việc điển hình lên phương tiện thông tin đại chúng, bản tin Công Thương, trang thông tin điện tử của Cục; tích cực tuyên truyền hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện quyết liệt, kể từ ngày thành lập đến nay (năm 1995 đến nay), Cục đã xử lý gần 50.000 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt hành chính, hàng hóa tịch thu, hàng hóa tiêu hủy trên 120 tỷ đồng. Đã xử lý nhiều vụ việc lớn điển hình, được chính quyền các cấp ghi nhận, biểu dương, được nhân dân đồng tình, gây được tiếng vang trong dư luận như các vụ xử lý về thuốc lá điếu nhập lậu, rượu ngoại nhập lậu, sử dụng chíp điện tử tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhằm gian lận về số lượng, kinh doanh xăng dầu nhập lậu trên biển, chiếm giữ bình LPG trái phép, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và các loại hàng nhập lậu, hàng cấm khác.
Ngoài công tác chuyên môn, Cục quan tâm đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các phong trào xã hội khác, tổ chức và tham gia các giải thể thao của tỉnh, của ngành, giao lưu với các đơn vị bạn nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn đơn vị, cán bộ, công chức, người lao động đoàn kết phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cục được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu về phong trào văn hóa, thể thao của ngành, của tỉnh.
Trải qua 64 năm xây dựng và phát triển, với nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ qua từng giai đoạn phát triển của đất nước. Lực lượng QLTT cả nước nói chung và QLTT Hà Tĩnh nói riêng đã góp phần xứng đáng vào quá trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội: ổn định thị trường, thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động thương mại - dịch vụ, chống các hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và các hành vi sản xuất kinh doanh trái phép khác; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vai trò, vị thế của lực lượng QLTT không ngừng được nâng lên; doanh nghiệp và người tiêu dùng tin tưởng, nhân dân đồng tình ủng hộ; được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, biểu dương và xem là lực lượng chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác, từ khi thành lập đến nay (từ năm 1995 đến nay) Cục QLTT Hà Tĩnh đã được Chủ tịch nước, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, Ban chỉ đạo 127 TW (nay là Ban chỉ đạo 389 quốc gia), UBND tỉnh tặng nhiều cờ thi đua, bằng khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua cho nhiều tập thể và cá nhân:
- Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương lao động hạng ba cho tập thể Chi cục QLTT và 06 cá nhân.
- Thủ tướng Chính phủ tặng 02 bằng khen cho các tập thể và 11 bằng khen cho các cá nhân.
- Ban Chỉ đạo 127 TW (nay là BCĐ 389 Quốc gia) tặng cờ thi đua cho tập thể Chi cục; tặng 04 bằng khen cho các tập thể và 10 bằng khen cho các cá nhân.
- Bộ Công Thương tặng cờ thi đua cho tập thể Chi cục; tặng 18 bằng khen cho các tập thể, 46 bằng khen cho các cá nhân; tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ cho 02 cá nhân.
- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc cho tập thể Chi cục QLTT; tặng bằng khen cho tập thể Chi cục.
- UBND tỉnh tặng 06 bằng khen cho các tập thể, 54 bằng khen cho các cá nhân; tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho 09 cá nhân; 09 lần tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho các tập thể.
- Liên đoàn lao động tỉnh tặng 01 bằng khen cho tập thể Chi cục và 03 bằng khen cho các cá nhân.
- Công đoàn ngành Công Thương 03 lần tặng cờ thi đua cho tập thể Chi cục, tặng 11 bằng khen cho các tập thể và 34 bằng khen cho các cá nhân.
- Giám đốc Sở Công Thương tặng nhiều giấy khen cho các tập thể và cá nhân; tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở cho nhiều cá nhân. Ngày 08/3/2016 địa vị pháp lý của lực lượng QLTT chính thức được thừa nhận; ủy ban thường vụ quốc hội thông qua Pháp lệnh QLTT; tiếp đó ngày 18/8/2017 Chính phủ ban hành Nghị định 98/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương và đến ngày 10/8/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT.