Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh tăng cường các biện pháp góp phần bình ổn thị trường trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Nhiều giải pháp đã được Lãnh đạo Cục chỉ đạo để đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Hà Tĩnh có gần 60.000 hộ kinh doanh, trên 7.000 doanh nghiệp; có 173 chợ, 05 siêu thị, 02 trung tâm thương mại; Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19; ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, được sự qua tâm của cấp ủy Đảng, các ngành, các cấp và hệ thống chính trị; thị trường hàng hóa tương đối ổn định, hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa diễn ra sôi động; hàng hóa đa dạng, nhiều chủng loại, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tuy trên địa bàn tỉnh không xẩy ra điểm nóng về buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, nhưng các hành vi vi phạm vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó kiểm soát như: Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không đảm bảo chất lượng và không đúng thành phần nguyên liệu vẫn xẫy ra. Trên tuyến lưu thông vẫn còn một số đối tượng kinh doanh vận chuyển hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ.v.v.

(Hội nghị bàn giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường)

Trước tình hình trên, với tinh thần chủ động, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, Tổng cục Quản lý thị trường, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã xây dựng các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường ngay từ đầu năm, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Với sự quyết tâm cao, đoàn kết nội bộ và những đổi mới của tập thể Lãnh đạo Cục bằng nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp trong chỉ đạo, điều hành, tham mưu các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hình thức, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng; hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm ngày càng quyết liệt nên hiệu quả công tác quản lý thị trường ngày càng được nâng cao và toàn diện trên các mặt. Năm 2021 đã phát hiện kiểm tra  1.135 vụ,  số vụ xử lý 1.103 vụ, Tổng số tiền thu phạt và trị giá hàng hóa vi phạm tổng thu : 5.192.618.500 tỷ đồng; Đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 08 cơ sở; Tước quyền sử dụng có thời hạn 01 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng đối với 01 cửa hàng.

- Hàng cấm: Xử lý 05 vụ vi phạm, phạt hành chính 27 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 122,524 triệu đồng.

- Hàng lậu: Xử lý 16 vụ vi phạm, phạt hành chính 209 triệu đồng, trị giá tang vật vi phạm 399,91 triệu đồng.

- Hàng giả: Xử lý 09 vụ vi phạm, phạt hành chính 137 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 4 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 154,659 triệu đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 08 cơ sở.

- Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ: Xử lý 19 vụ vi phạm, phạt hành chính 296,5 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 1,5 tỷ đồng.

- Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hoá, mã số mã vạch: Xử lý 119 vụ vi phạm; phạt hành chính 787,75 triệu đồng.

- Lĩnh vực giá: Xử lý 288 vụ vi phạm, phạt hành chính 231,25 triệu đồng.

- Xăng dầu: Kiểm tra 14 vụ, phát hiện 08 vụ vi phạm, đã xử lý 08 vụ với 09 hành vi vi phạm; phạt hành chính 45.500.000 đồng; các hành vi vi phạm chủ yếu: Không niêm yết thời gian bán hàng, sử dụng nhân viên trực tiếp bán hàng không được đào tạo huấn luyện bảo vệ môi trường….

- Khí dầu mỏ hóa lỏng: Kiểm tra 25 vụ, phát hiện 23 vụ vi phạm, đã xử lý 23 vụ với 23 hành vi vi phạm; phạt hành chính 63.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG, thời hạn 4,5 tháng đối với 01 cửa hàng bán lẻ LPG chai, buộc trả lại 06 chai LPG cho chủ sở hữu; các hành vi vi phạm chủ yếu về niêm yết giá, biển hiệu, thu gom chai LPG ngoài hợp đồng đã ký…

- Thuốc lá: Kiểm tra, xử lý 16 vụ với 16 hành vi vi phạm, phạt hành chính 44.750.000, tịch thu để tiêu hủy 217 điếu xì gà, 10 bao thuốc lá 555 với tổng giá trị 120.250.000 đồng; các hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh thuốc lá nhập lậu, Không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Y tế: Xử lý 356 vụ vi phạm, phạt hành chính 636,25 triệu đồng, vi phạm chủ yếu về niêm yết giá.

- Vật liệu xây dựng: Xử lý 20 vụ vi phạm, phạt hành chính 19,75 triệu đồng, vi phạm chủ yếu về niêm yết giá, chứng chỉ kiểm định hết hiệu lực.

- Phân bón: Xử lý 12 vụ vi phạm, phạt hành chính 11,5 triệu đồng.

- Mỹ phẩm: Xử lý 06 vụ vi phạm, phạt hành chính 122,75 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 155,539 triệu đồng, vi phạm chủ yếu về hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu.

  ( ảnh hoạt động kiểm tra)

Trong năm đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc lớn, như:Ngày 28/01/2020, Đội QLTT số 6 phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khám xe ô tô tải mang biển kiểm soát 29C-89693 do ông Phan Văn Thiện (địa chỉ: Xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) điều khiển. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe vận chuyển 4.500 kg sản phẩm động vật (nầm lợn) đựng trong các hộp xốp, số hàng hóa này không có nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Đội đã tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính, trình Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 90 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy 4.500 kg sản phẩm động vật (nầm lợn) không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị 810 triệu đồng; ngày 21/01/2021, Đội QLTT số 1 phối hợp với lực lượng An ninh kinh tế - Công an tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh kiểm tra cửa hàng kinh doanh tổng hợp Vip Vine do bà Hồ Thị Thu Hằng làm chủ, địa chỉ số 81 - Đường Phan Đình Giót - Thành Phố Hà Tĩnh. Qua kiểm tra phát hiện bà Hồ Thị Thu Hằng có hành vi buôn bán thuốc lá xì gà nhập lậu. Đội đã lập hồ sơ trình Cục QLTT xử phạt hành chính và tịch thu 108 điếu xì gà nhập lậu; ngày 13/4/2021, Đội QLTT số 2 kiểm tra đối với Bưu Cục chuyển phát nhanh J&T tại Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Qua kiểm tra, phát hiện 2.294 lọ nước hoa giả mạo nhãn hiệu Chanel. Đội đã lập hồ sơ trình Cục QLTT tham mưu UBND tỉnh xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Thị Châu, địa chỉ xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An về hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; đã phạt hành chính 55 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

(Làm việc các lực lượng để phối hợp thực hiện nhiệm vụ)

Theo quy luật, bước vào những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân, thời điểm này, các thương nhân trên địa bàn tỉnh dự trữ các hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ mạnh như bia, rượu, nước giải khát, lương thực, thực phẩm. Đây cũng là điều kiện cho các đối tượng kinh doanh trái phép đưa hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả lưu thông trên thị trường. Xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh theo thời vụ, bán rong, bán hàng qua mạng, bán tại các vỉa hè, kinh doanh nhỏ lẻ. Do vậy thị trường sẽ diễn biến phức tạp, khó kiểm soát với những biến động về giá cả và tình trạng vi phạm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống người dân.

(tăng cường kiểm tra các đầu mối, đại lý kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo)

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn, đảm bảo bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, chống các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạc biệt vi phạm ATTP dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Cục Quản lý thị trường đã, đang và sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên toàn tỉnh với các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, bám sát Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Kế hoạch số 07/KH-TCQLTT ngày 18/11/2021 của Tổng cục quản lý thị trường về cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp trước, trong sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ban hành kế hoạch số 205/KH-CCQLTT ngày 24/11/2021 của Cục QLTT kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; theo đó nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, an toàn thực phẩm.

Thứ hai, đảm bảo đủ số lượng cán bộ, công chức trên các địa bàn để nắm bắt thông tin thị trường, tình hình diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân như: Xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, thuốc chữa bệnh, quần áo may sẵn, đồ gia dụng…; chủ động điều tra, trinh sát, phòng ngừa, phát hiện kịp thời các đối tượng kinh doanh vi phạm pháp luật. Trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán các Đội QLTT đảm bảo tối đa quân số trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trên địa bàn được phân công; không giải quyết chế độ nghỉ phép cho CBCC trong dịp Tết.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại với nhiều hình thức như: Tuyên truyền lưu động bằng loa phóng thanh, bằng hình thức chạy chữ trên truyền hình; phát băng đĩa, tờ rơi, dán thông báo đường dây nóng; tổ chức tọa đàm, đối thoại với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhất là đối với các đại lý, nhà phân phối các mặt hàng thiết yếu, ký cam kết không tiếp nhận và đưa ra thị trường các loại hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, đo lường, chất lượng… nhằm ngăn chặn hàng hóa vi phạm ngay từ khâu phân phối.

Thường xuyên phổ biến, hướng dẫn, người tiêu dùng khi mua hàng hóa thực phẩm cần quan tâm thương hiệu, thời hạn sử dụng và các thông tin liên quan ghi trên nhãn; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh;

Tuyên truyền trực tiếp thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, thông qua hoạt động viết tin, bài trên các báo, trang thông tin điện tử của Cục, của Tổng Cục; thực hiện phóng sự truyền hình, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng các vụ việc vi phạm điển hình để khuyến cáo cho nhân dân và răn đe các đối tượng vi phạm; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về an toàn thực phẩm, vi phạm về niêm yết giá, vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ; vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp…; chú trọng tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng mạnh trong dịp tết như bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát, lương thực, thực phẩm…

Thứ năm, với vai trò là thành viên của BCĐ 389 tỉnh, Cục QLTT sẽ tham mưu, đề xuất với BCĐ các giải pháp để thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo an toàn thực phẩm. Những vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường sẽ được Cục QLTT kịp thời tham mưu UBND tỉnh, BCĐ BCĐ 389 tỉnh, chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong công tác phối hợp liên ngành; trong quá trình tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện yêu cầu CBCC phải tham mưu, kiến nghị kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, tránh trường hợp kiểm tra chỉ nhắc nhở nhưng không xử lý để răn đe. CBCC tham gia liên ngành phải báo cáo nhanh kết quả thực hiện của Đoàn hằng ngày về Cục để tổng hợp báo cáo Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh.

Thứ sáu, tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức chính trị cho toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ; siết chặt kỷ luật, kỹ cương hành chính nhằm đảm bảo cán bộ, công chức thực hiện đúng quy định của pháp luật trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính; góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất của công chức quản lý thị trường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác Quản lý thị trường là nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp, nhất là thời điểm những tháng cuối năm và dịp Tết nguyên đán. Để đảm bảo thị trường ổn định, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài sự nỗ lực của lực lượng Quản lý thị trường cần có sự chủ động vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường. Có như vậy mới ngăn chặn được các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; góp phần bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tạo điều kiện cho nhân dân vui tết, đón xuân một cách an toàn./.

Nguyễn Thị Thư
Trưởng phòng NVTH, Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh