Chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay

Bên cạnh những mặt tích cực kéo theo đó cũng có rất nhiều hệ lụy như tình trạng ô nhiễm môi trường, nạn sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái với xu hướng ngày càng gia tăng đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Hàng giả, hàng nhái để lại hệ lụy không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường, trở nên một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng. Với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập, để hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, triệt đường phát triển của các doanh nghiệp nội và gián tiếp đánh mất “lợi thế” thị trường, “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhãn hàng lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bối cảnh này, đòi hỏi công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái phải thực sự đi vào thực chất… Có như vậy mới có thể bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp hiệu quả cũng như tạo dựng một điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và thu hút được nhiều nhà đầu tư kinh doanh đến làm ăn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do luật pháp còn khá nhiều kẽ hở cộng với sự bất cập trong cơ chế quản lý đã tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lan tràn. Trong khi đó, chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm bất chấp đạo đức luân lý để kiếm lợi nhuận.
Việc quản lý, kiểm tra và xử lý chưa đạt hiệu quả cao là do hoạt động thiếu đồng bộ cũng như có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng. Phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng giả còn thiếu và yếu, phương tiện giám định, phân biệt hàng thật, hàng giả, nhất là đối với các thương hiệu hàng hóa ngoại nhập, không có nhà sản xuất tại VN để xác định. Ngoài ra, việc phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không hề dễ dàng đối với lực lượng chức năng và người tiêu dùng khi mà các sản phẩm được làm giả ngày một tinh vi, giống hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết, linh kiện nhỏ nhất.
Người tiêu dùng chưa được truyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhiều, cũng như trang bị các kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn thiếu và có tâm lý e ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng vì chưa nắm vững luật pháp, để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng đã được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân nổi cộm là do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan ban ngành chức năng.
Bên cạnh đó, phải nói đến có sự góp phần không nhỏ của người tiêu dùng, như dễ dải trong mua sắm, còn chấp nhận hàng giả do chuộng giá rẻ, hoặc do không biết và nhất là thường bỏ qua khi phát hiện ra hàng giả.
Mặt khác, hiện nay, tuy đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái…, song hiệu lực thực thi của một số văn bản còn thấp do chưa được cụ thể hóa hoặc chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp nảy sinh trong thực tiễn.
Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại chủ yếu tập trung vào chống, nhất là chống trong khâu tiêu thụ hàng giả, hàng nhái mà chưa chú trọng đúng mức đến phòng ngừa ngăn chặn sản xuất hàng giả, hàng nhái…
Do vậy, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng khá khó khăn, phức tạp, khó có thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”, đòi hỏi phải có sự nỗ lực hết mình của các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, người tiêu dùng và toàn xã hội.
Từ những nguyên nhân trên để chống được nạn hàng giả, hàng nhái chúng tôi thiết nghỉ cần phải coi trọng một số nội dung sau:
Bên cạnh những giải pháp thực tế như: Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, sự nỗ lực của các nhãn hàng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phải được xác định là giải pháp then chốt.
Cùng với đó công tác chống hàng giả, hàng nhái không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp…
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu. Sự liên kết giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh”, đồng thời nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vì quyền lợi của bản thân và xã hội, nhất là tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái.
Sử dụng các biện pháp tiến tiến bảo vệ sản phẩm của mình ví dụ như: Tem chống hàng giả công nghệ nước (khi thoa nước lên bề mặt tem, logo hoặc tên doanh nghiệp sẽ hiển thị), Tem chống hàng giả công nghệ nhiệt (khi tiếp xúc với nhiệt, logo hoặc tên doanh nghiệp sẽ mất đi hoặc đổi sang màu khác), Tem chống hàng giả công nghệ phát sáng (Khi soi đèn cực tím, trên bề mặt tem sẽ phát sáng), Tem chống hàng giả công nghệ điện tử (SMS) kết hợp QR Code, nhiệt, nước và phát sáng (giúp khách hàng kiểm tra sản phẩm bằng cách nhắn tin SMS và quét QR Code bằng điện thoại thông minh và tra cứu trên web)...
Đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn, tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân qua nhiều hình thức để mọi người nhận biết, hiểu thao tác, sử dụng các thiết bị điện tử thông minh khi khai thác các thông tin cần thiết từ việc “scan - quét'” mã hình QR gắn trên sản phẩm, hàng hóa, mặt hàng nông sản, thực phẩm. Xây dựng và phổ biến tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ truy xuất nguồn gốc trực tuyến sử dụng mã hình QR cho các Phòng Kinh tế TP, huyện, thị xã, ban quản lý, doanh nghiệp quản lý chợ; phổ biến tờ rơi tuyên truyền tại các địa điểm mua sắm văn minh, hiện đại như trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Hướng ứng và triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Trong đó ứng dụng mã hình QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến và kết nối nhanh chóng giữa người bán, người sản xuất với người mua. Phối hợp với các sở, ngành liên quan như thuế, ngân hàng để phát huy hiệu quả sử dụng mã hình QR trong kê khai thuế điện tử, thanh toán điện tử.
Xây dựng chuỗi hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nhóm sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp (thực phẩm), tiểu thủ công nghiệp (sản phẩm thủ công, làng nghề tiêu biểu) và công nghiệp chủ lực của tỉnh (bao gồm cả liên kết với địa phương khác có nguồn hàng đưa về tiêu thụ trên địa bàn tỉnh) với đơn vị triển khai giải pháp xác thực chống hàng giả, có hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ truy xuất nguồn gốc trực tuyến, sử dụng mã hình QR in trên tem chống hàng giả.
Tại một số địa điểm mua sắm thu hút số lượng lớn người tiêu dùng nên bố trí mô hình, phương tiện trình diễn “quét” mã hình QR ở trong và ngoài khu vực bày bán, trưng bày sản phẩm, hàng hóa. Tùy các mục đích truy xuất thông tin trực tuyến khác nhau và đặc điểm nơi mua sắm mà có thể đặt cabin, trạm quét mã hình QR hoặc các thiết bị điện tử thông minh rời, nhỏ gọn quét mã hình QR. Khuyến khích người tiêu dùng tại các địa điểm mua sắm văn minh, hiện đại sử dụng các thiết bị điện tử thông minh cá nhân để quét mã hình QR, tìm hiểu thông tin nguồn gốc, xuất xứ, giá cả, hướng dẫn sử dụng... và các thông tin liên quan khác.
Phối hợp với cơ quan chức năng ứng dụng thực tiễn “Quy trình xác thực chống hàng giả” đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế số 16036 theo Quyết định số 61711/QĐ-SHTT ngày 30/9/2016 của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Tổ chức kết nối, liên kết, giới thiệu “Quy trình xác thực chống hàng giả” đến các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa kinh doanh tại các địa điểm mua sắm, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh... để chống gian lận thương mại, vi phạm quyền người tiêu dùng; xử lý kịp thời các trường hợp kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng.
Tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt nam” (trước tiên cán bộ công chức, lực lượng vũ trang phải là người tiên phong gương mẫu đi đầu trong cuộc vận động này).
Đối với người tiêu dùng, để đấu tranh chống hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mà cũng là để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng trước hết cần thực hiện rốt ráo quyền và nghĩa vụ của mình mà Luật pháp đã qui định khi mua hàng hóa như:
* Kiểm tra hàng hoá trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
* Yêu cầu người bán cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
* Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Có làm được như vậy, thì cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng mới đạt hiệu quả cao hơn; thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất kinh doanh chân chính; từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng…thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.