Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ góp phần xây dựng một hệ thống chính trị, một nền hành chính trong sạch, vững mạnh mà còn có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có ý nghĩa hết sức quan trọng trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo nên trong những năm qua, Đảng ủy, chuyên môn đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hằng năm, ngay từ đầu năm đã chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo nhằm từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức, kiến thức cho công chức và chuẩn hóa đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với công việc trong tình hình mới.
Hằng năm, trên cơ sở kết quả rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, phân tích cụ thể từng chức danh phải đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, Phòng Tổ chức - Hành chính đã chủ động xây dựng kế hoạch, công văn đào tạo, bồi dưỡng tham mưu cho Lãnh đạo Cục cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo do tỉnh, Tổng cục tổ chức. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, phòng tiến hành rà soát, xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch và sử dụng, bố trí cán bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng tăng cao, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ bản có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ.
Từ năm 2019 đến nay đã cử 167 lượt công chức bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý.v.v.
Kết quả hiện nay:
- Trình độ chuyên môn: + Thạc sỹ: 09 người;
+ Cử nhân: 42 người;
+ Cao đẳng: 02 người;
+ Trung cấp và CNKT: 08 người.
- Trình độ lý luận chính trị:
+ Cử nhân: 01 người;
+ Cao cấp: 06 người;
+ Trung cấp 21 người.
Có thể khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của cơ quan ngày càng đi vào nền nếp, góp phần quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ của cơ quan. Có được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy, Lãnh đạo Cục, sự chủ động tham mưu của phòng, sự phối kết hợp của các phòng, các đội trong việc thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Tuy vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đang đặt ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo như: Cán bộ, công chức chủ yếu vừa học vừa làm nên thời gian học tập trung không nhiều. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn theo số lượng và nguyện vọng cá nhân. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đi học nhằm hợp thức hoá bằng cấp. Thêm vào đó là chế độ chính sách cho cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tuy đã được điều chỉnh, bổ sung, nhưng so với thực tế còn nhiều bất cập. Một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, không đủ điều kiện đào tạo bổ sung, nhất là đối cán bộ, công chức đã có tuổi.
Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, cần quan tâm một số nội dung sau:
Tập trung nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người đề ra chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời là người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức. Từ đó họ sẽ tích cực học tập, trau dồi năng lực quản lý, điều hành cho bản thân mình và quan trọng hơn là tạo ra cơ chế, chính sách và điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức tham gia tích cực vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Rà soát, đánh giá đội ngũ, bổ sung quy hoạch cán bộ, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc diện quản lý sát đúng với yêu cầu, nhiệm vụ vị trí công tác và yêu cầu đặt ra của cơ quan. Quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Quy định cụ thể và nghiêm ngặt về các khóa đào tạo bắt buộc mà cán bộ, công chức phải trải qua trước khi nhận nhiệm vụ hay được thuyên chuyển, bổ nhiệm lên các vị trí cao hơn; cán bộ không được đào tạo bồi dưỡng đủ thì không đề bạt.
Khuyến khích mạnh mẽ các hình thức tự học, tự đào tạo qua hoạt động thực tế và qua mạng công nghệ thông tin với mục tiêu nâng cao trình độ, không vì bằng cấp.
Xây dựng tiêu chí, thực hiện đánh giá chất lượng cán bộ công chức sau đào tạo, bồi dưỡng một cách khách quan, khoa học. Chú trọng năng lực thực hiện công việc. Không sa vào thống kê bằng cấp, bởi vì bằng cấp chưa thực sự phản ánh đúng năng lực làm việc của cán bộ, công chức.
Ngoài ra bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp, việc đào tạo cán bộ, công chức qua hoạt động thực tiễn, qua luân chuyển cán bộ cần được quan tâm và phải được thực hiện liên tục trong quá trình sử dụng cán bộ, công chức.