Một số điểm mới của Luật lưu trữ năm 2024
Luật Lưu trữ năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2024, có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2025, thay thế Luật Lưu trữ năm 2021. Luật Lưu trữ năm 2024 gồm có 8 chương 65 điều.
Luật Lưu trữ năm 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 ( thay thế cho Luật Lưu trữ năm 2011), gồm 8 chương, 65 điều; với nhiều điểm mới đáng chú ý, như sau:
- Bổ sung tài liệu lưu trữ tư vào thành phần Phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam để bảo đảm Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm toàn bộ tài liệu lưu trữ của nước Việt Nam.
- Phân định rõ hơn về thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam cho các cơ quan có thẩm quyền của Đảng; Bộ Nội vụ; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, hội quần chúng và các tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng…
- Giao thẩm quyền quy định cụ thể thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ.
- Quy định thời hạn nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 05 năm tính từ năm nộp vào lưu trữ hiện hành. Đối với hồ sơ có tài liệu đóng dấu chỉ độ mật hoặc tài liệu có đóng dấu chỉ độ mật chỉ được nộp vào lưu trữ lịch sử sau khi tài liệu được giải mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước
- Nhiều quy định mới về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử như: khẳng định tài liệu lưu trữ số có đầy đủ giá trị pháp lý như thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; quy định tài liệu lưu trữ tạo lập dạng số; bản số hóa tài liệu lưu trữ, kho lưu trữ số; các hoạt động thu nộp, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị; lưu trữ tài liệu lưu trữ điện tử khác
- Xác định phát huy giá trị tài liệu lưu trữ là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của công tác lưu trữ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Xác định rõ phạm vi của lưu trữ tư, là lưu trữ của cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, tổ chức không phải là hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; đồng thời, Luật cũng quy định về trách nhiệm quản lý lưu trữ tư; chính sách của Nhà nước để phát triển lưu trữ tư; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài liệu lưu trữ tư; ký gửi tài liệu lưu trữ tư vào lưu trữ lịch sử; tặng cho Nhà nước tài liệu lưu trữ tư; tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt.
- Quy định về các hoạt động dịch vụ lưu trữ và khẳng định các hoạt động dịch vụ lưu trữ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
- Quy định ngày 03 tháng 01 hằng năm là “Ngày Lưu trữ Việt Nam”.