Tổ chức làm việc với chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương; cùng với sự nổ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nền kinh tế xã hội tỉnh nhà có sự bứt phá mạnh mẽ, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá.
Số lượng, quy mô doanh nghiệp, hộ kinh doanh không ngừng tăng lên, đến nay với gần 5500 doanh nghiệp, gần 1300 hợp tác xã, trên 58.700 hộ kinh doanh tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ tiêu dùng cho trên 1,3 triệu dân và nhiều chuyên gia, người lao động đến từ trong và ngoài nước đang làm việc tại các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Những điều kiện trên là động lực để kinh tế Hà Tĩnh tiếp tục phát triển năng động, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, nhưng cũng đặt ra cho công tác quản lý nhà nước nói chung và QLTT nói riêng không ít thách thức; các hoạt động kinh doanh trái phép, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng... diễn biến ngày càng tinh vi phức tạp.
Do vậy công tác QLTT ngày càng khó khăn và phức tạp, đòi hỏi có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác QLTT chưa được coi trọng. Chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm, chưa thực sự vào cuộc trong công tác QLTT; nhiệm vụ quản lý thị trường chưa được xem là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài để chỉ đạo thực hiện.
Trước thực trạng trên, Chi cục QLTT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1731/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả công tác QLTT đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án QLTT). Sau khi đề án được ban hành, công tác QLTT đã có chuyển biến tích cực; các sở, ngành, địa phương đã có sự chủ động hơn trong việc triển khai thực hiện; vai trò trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị được tăng cường; nhận thức của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được nâng cao; các hành vi vi phạm dần được hạn chế. Tuy vậy, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đề án, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; trên thị trường vẫn còn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về ATTP, không có nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ; sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến, bảo quản...; trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, đơn vị còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao.
Để có cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, đồng thời đề ra giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, Chi cục QLTT xây dựng kế hoạch làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương các huyện, thành phố, thị xã để chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện Đề án QLTT và phối hợp thực hiện tốt công tác QLTT. Từ đầu năm 2016 đến nay, Chi cục đã tổ chức làm việc với chính quyền địa phương một số huyện như: Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc, Kỳ Anh và Thành phố Hà Tĩnh.
Tại buổi làm việc có nhiều ý kiến phát biểu đánh giá thực trạng công tác quản lý thị trường thời gian qua trên địa bàn, một số khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, công tác kiểm tra xử lý vi phạm, công tác phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; một số giải pháp đã triển khai thực hiện nhưng hiệu quả mang lại còn hạn chế.
Phát biểu tại các buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Cự Dũng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT đồng thời là Phó Giám đốc Sở Công Thương đã ghi nhận, biểu dương những kết quả mà địa phương đạt được trong thời gian qua và đồng chí đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như:
- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các địa phương chưa thường xuyên, chưa mang lại hiệu quả, thông tin chưa đến tận các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng; hình thức, nội dung tuyên truyền chưa đa dạng và phong phú; mới chỉ tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi, thông báo trên loa phát thanh mà thiếu sự hướng dẫn thực hiện cụ thể; kênh tuyên truyền qua các đoàn thể chưa được chú trọng thực hiện, hiệu quả chưa cao.
- Công tác kiểm tra, xử lý của các địa phương chưa chủ động, còn khoán trắng cho lực lượng QLTT trong khi quân số lực lượng QLTT mỏng, hoạt động dàn trải trên phạm vi rộng. Các đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động chưa thường xuyên, chưa hiệu quả, cùng một thời điểm nhiều địa phương thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành nhưng kiểm tra chủ yếu nhắc nhở, không xử phạt nên thiếu răn đe.
- Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã với các lực lượng chức năng còn hạn chế, hiệu quả thấp, chưa chủ động và chưa thường xuyên, chủ yếu mang tính sự vụ.
- Công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế.
- Vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp xã; trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác QLTT chưa được coi trọng.v.v.
- Vi phạm trên thị trường vẫn diễn ra nhiều như niêm yết giá, ATTP, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, kinh doanh đa cấp, bán hàng rong .v.v.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án QLTT, yêu cầu UBND huyện, thành phố nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại đang gặp phải để khắc phục đồng thời tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:
1. Xác định công tác QLTT là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài để thực hiện mang lại hiệu quả.
2. Phân công cấp ủy, chính quyền, đoàn thể theo dõi, phụ trách lĩnh vực, địa bàn và giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, tổ chức cá nhân quản lý chợ. Nếu địa bàn nào để xẩy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài thì người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
3. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với hình thức, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng. Việc tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, mang lại hiệu quả, đảm bảo thông tin đến tận người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh; đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh.
4. Chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; từng bước đẩy lùi hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm…; thường xuyên phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm xẩy ra trên địa bàn.
5. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh, công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp, kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, kinh doanh đa cấp, kiểm soát giết mổ, an toàn thực phẩm; bán hàng rong không rõ nguồn gốc xuất xứ…; kiên quyết đình chỉ, dẹp bỏ đối với những cơ sở kinh doanh không chấp hành quy định pháp luật, không đảm bảo các điều kiện kinh doanh.
6. Chú trọng phát triển sản xuất sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa sản xuất của địa phương; đồng thời tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết và sử dụng hàng hóa sản xuất trong tỉnh, góp phần hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Sự thành công tốt đẹp của các buổi làm việc hứa hẹn sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của chính quyền địa phương từ huyện đến xã trong công tác QLTT, phát huy được vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của địa phương để thực hiện có hiệu quả Đề án QLTT; sự phối hợp giữa địa phương với lực lượng QLTT sẽ ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, thường xuyên và có hiệu quả hơn; qua đó góp phần thực hiện tốt hơn Đề án QLTT, đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tăng thu ngân sách./.